Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Bạch cầu trong nước tiểu: Nguyên nhân và cách phòng ngừa

Khi bạch cầu được tìm thấy trong nước tiểu với số lượng nhiều hơn bình thường, có thể do một số nguyên nhân liệt kê dưới đây.

Bạch cầu là một trong các loại tế bào máu, tồn tại cùng với tiểu cầu và hồng cầu. Các bạch cầu có nhiệm vụ tiêu diệt các vi khuẩn xâm nhập cơ thể.

Truy tìm căn nguyên

Trong những trường hợp cụ thể, có thể có các tế bào bạch cầu trong nước tiểu. Chúng bao gồm một số khả năng sau:

Nhiễm khuẩn bàng quang dẫn đến kích thích niêm mạc của bàng quang, bạch cầu hiện diện để tiêu diệt vi khuẩn. Trong trường hợp nhiễm khuẩn bàng quang sẽ bị đau vùng bàng quang, đi tiểu đau và nóng rát, đi tiểu nhiều lần. Tình trạng này còn được gọi là viêm bàng quang và thường gặp ở trẻ vị thành niên, nhưng ở người trưởng thành bệnh phổ biến hơn ở phụ nữ. Uống nhiều chất lỏng và dùng kháng sinh thường áp dụng cho viêm bàng quang. Một số yếu tố nguy cơ như quan hệ tình dục, mang thai có thể làm tăng cơ hội bị nhiễm khuẩn bàng quang.

Bạch cầu trong nước tiểuBàng quang bị viêm có thể làm gia tăng tế bào bạch cầu trong nước tiểu.

Nhiễm khuẩn và tắc nghẽn đường tiết niệu: Bệnh xảy ra khi vi khuẩn từ phân xâm nhập niệu đạo, đặc biệt khi đi tiểu hoặc trong khi quan hệ tình dục. Loại nhiễm khuẩn này có thể tăng sự hiện diện các tế bào bạch cầu trong nước tiểu, kèm đau rát khi đi tiểu. Các khối u bàng quang, khối u thận hoặc sỏi thận có thể làm xuất hiện nhiều bạch cầu trong nước tiểu.

Nhiễm khuẩn thận còn được gọi là viêm thận có thể trở nên nghiêm trọng nếu không được điều trị. Từ nhiễm khuẩn vùng tiết niệu thấp, vi khuẩn có thể lây lan lên niệu quản và vào thận. Tình trạng này có thể dẫn đến rối loạn chức năng thận và nhiễm khuẩn thận làm hiện diện tế bào bạch cầu trong nước tiểu. Nhiễm khuẩn thận có nguy cơ xảy ra cao hơn, nếu bạn bị sỏi thận hoặc sỏi niệu quản làm hạn chế hoặc tắc nghẽn đường dẫn nước tiểu. Nước tiểu bị ứ trong bể thận dễ gây nhiễm trùng, các tế bào bạch cầu xâm nhập khu vực viêm và hiện diện trong nước tiểu. Người bệnh có thể bị đau ở khu vực thắt lưng cùng với đi tiểu nhiều. Cần phải đến khám bác sĩ để được can thiệp điều trị sớm.

Nếu có vấn đề về đông máu hoặc mắc bệnh thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liềm, máu và bạch cầu có thể xuất hiện trong nước tiểu. Bệnh ung thư thận, tuyến tiền liệt hoặc bàng quang có thể gây viêm hoặc tắc nghẽn đường tiểu, dẫn đến hiện diện bạch cầu trong nước tiểu.

Ngoài nguyên nhân bệnh lý, còn một số nguyên nhân khác gây nên sự hiện diện bạch cầu trong nước tiểu như:

Nếu không đi tiểu thường xuyên và cố nín tiểu, điều này có thể làm bàng quang căng lên và ứ đọng nước tiểu, tạo thuận lợi cho vi khuẩn phát triển trong bàng quang, dẫn đến nhiễm khuẩn và hiện diện bạch cầu trong nước tiểu.

Khi mang thai, một số thai phụ có mức protein cao và nhiều bạch cầu trong nước tiểu. Tình trạng này có thể là do nhiễm khuẩn ngược dòng từ âm đạo.

Sử dụng một số loại thuốc có thể làm xuất hiện bạch cầu trong nước tiểu. Bao gồm một số thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh. Các loại thuốc dùng để điều trị viêm khớp cũng có thể dẫn đến hiện diện bạch cầu trong nước tiểu như là một tác dụng phụ của thuốc.

Quan hệ tình dục không đảm bảo có thể tạo thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập niệu đạo. Tình trạng này có thể dẫn đến nhiễm khuẩn niệu và hiện diện bạch cầu trong nước tiểu.

Tập thể dục quá mức với cường độ cao có thể dẫn đến sự gia tăng bạch cầu trong nước tiểu.

Xử trí và phòng ngừa bạch cầu trong nước tiểu

Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây tăng bạch cầu trong nước tiểu.

Điều trị nhiễm khuẩn đường tiểu: Nếu đây là lần đầu tiên bị nhiễm khuẩn đường tiểu, một đợt kháng sinh ngắn hạn là thích hợp. Nếu bị nhiễm khuẩn đường tiểu tái phát, bác sĩ có thể kê một đợt kháng sinh dài hơn và làm thêm các xét nghiệm để tìm các nguyên nhân gây tái phát nhiễm khuẩn. Ngoài thuốc kháng sinh, việc tăng cường uống nước có thể giúp hạn chế nhiễm khuẩn đường tiểu.

Do tắc nghẽn đường tiểu: Nếu tắc nghẽn, chẳng hạn như do khối u hoặc sỏi thận, gây ra lượng bạch cầu cao, có thể cần thủ thuật phẫu thuật can thiệp. Trường hợp có sỏi thận nhỏ, tăng lượng nước uống có thể giúp đẩy sỏi nhỏ ra khỏi hệ thống tiết niệu. Phẫu thuật có thể là cần thiết để loại bỏ sỏi thận lớn. Nếu tắc nghẽn xảy ra do khối u ác tính, các lựa chọn điều trị bao gồm phẫu thuật, hóa trị hoặc xạ trị.

Lời khuyên của thầy thuốcMột trong những cách đơn giản nhất để giúp giảm nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu hoặc sỏi thận là uống đủ nước. Uống khoảng 8 ly nước mỗi ngày. Cần đi khám ngay nếu nhận thấy bất cứ điều gì bất thường về nước tiểu, chẳng hạn như màu sắc, mùi, hoặc bất kỳ khó chịu nào gặp trong khi đi tiểu. Nếu để trễ, nhiễm khuẩn đường niệu từ niệu đạo có thể lan đến bàng quang và thận, điều này làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn và có thể dẫn đến các biến chứng.

BS. Nguyễn Hải Lê

0 nhận xét:

Đăng nhận xét