Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Lợi, hại của vi khuẩn

Trong bài viết này chỉ đề cập một số nét cơ bản của vi khuẩn, về lợi và hại của chúng.

Loài người phát hiện ra vi khuẩn khi nào?

Vi khuẩn đầu tiên được quan sát bởi Antony van Leeuwenhoek năm 1683 bằng kính hiển vi một tròng do ông tự thiết kế. Tên “vi khuẩn” được đề nghị sau đó khá lâu bởi Christian Gottfried Ehrenberg vào năm 1828. Louis Pasteur (1822-1895) và Robert Koch (1843-1910) miêu tả vai trò của vi khuẩn là các thể gây ra bệnh hay tác nhân gây bệnh đối với loài người.

Nhu cầu dinh dưỡng của vi khuẩn

Mỗi một vi khuẩn là một tế bào, kích thước rất nhỏ bé cho nên mắt thường không thể quan sát được, trong khi đó, con người được cấu tạo bởi vô số tế bào, tuy vậy, dinh dưỡng của một vi khuẩn lại hoàn toàn khác xa con người. Đối với con người, chỉ cần một lượng thức ăn bằng 1% trọng lượng của cơ thể, trong khí đó vi khuẩn cần một lượng thức ăn bằng trọng lượng cơ thể nó. Lý do là vi khuẩn sinh sản với tốc độ rất nhanh, trong một vài giờ đồng hồ, nó đã cho ra một thế hệ mới (trừ vi khuẩn lao, sau 24 giờ mới có một thế hệ mới ra đời), vì vậy, vi khuẩn cần một lượng thức ăn rất lớn để tạo ra năng lượng trong sinh sản, phát triển.

Lợi, hại của vi khuẩnBifidobacterium là lợi khuẩn trong đường ruột của con người.

Lợi và hại của vi khuẩn đối với con người

Từ khi phát hiện ra vi khuẩn, người ta thấy chúng vô cùng nguy hiểm đối với con người, đó là gây bệnh và lan truyền bệnh. Trên cơ thể người không có bộ phận nào mà vi khuẩn từ chối tấn công. Ví dụ, đường hô hấp có vô số vi khuẩn gây bệnh như tụ cầu, liên cầu, phế cầu, trực khuẩn mủ xanh, ho gà và đặc biệt vi khuẩn bạch hầu có thể gây bệnh cấp tính cho trẻ, nếu không cấp cứu kịp thời có thể tử vong bất cứ lúc nào (suy tim cấp, bạch hầu thanh quản). Ở đường tiêu hóa với một đội quân vi khuẩn hùng hậu gây bệnh và gây thành dịch như E.coili, vi khuẩn lỵ (Shigella), vi khuẩn thương hàn (Salmonella), vi khuẩn tả... Hoặc ở đường tiết niệu - sinh dục có vô vàn các loại vi khuẩn gây bệnh và làm lây lan cho người khác như E.coli, Proteus, Mycoplasma, Chlamydia, vi khuẩn lậu... đó là chưa nêu tên các vi khuẩn gây bệnh ở da, mô mềm như trực khuẩn mủ xanh, giang mai...

Tuy vậỵ, vi khuẩn cũng có vai trò khá quan trọng trong cuộc sống thường ngày của con người. Các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Cork, Ireland cho biết, trước kia chúng ta thường coi nhẹ sự tồn tại của vi khuẩn trong cơ thể, ngày nay, qua kết quả phân tích ADN đã chỉ ra sự đa dạng của quần thể vi sinh vật cộng sinh trên cơ thể con người như đường hô hấp trên, đường ruột, âm đạo phụ nữ (âm đạo có trực khuẩn Doderlin rất có lợi) và tác dụng hữu ích của chúng. Trong thực tế, ở đường tiêu hóa của con người đã có một lượng lớn vi khuẩn cộng sinh, không gây bệnh. Con người cung cấp thức ăn cho vi khuẩn, ngược lại vi khuẩn sẽ giúp chúng ta tiêu hóa thức ăn, thúc đẩy sản sinh vitamin và nâng cao khả năng miễn dịch cơ thể, ví dụ, sữa chua hoặc men tiêu hóa vi sinh, men bia để sản xuất bia...

Lợi, hại của vi khuẩnTiêm vắc- xin là một biện pháp chống lại sự tấn công của vi khuẩn.

Vi khuẩn tấn công con người bằng vũ khí gì?

Những loài vi khuẩn tấn công con người (gây bệnh và lây lan khắp nơi gây thành dịch) luôn có vũ khí của chúng. Đó là nội và ngoại độc tố là vũ khí lợi hại nhất của vi khuẩn đế tấn công con người. Một đặc tính của vi khuẩn làm vô cùng bất lợi cho con người trong suốt thời gian qua đó là gene kháng thuốc kháng sinh. Để tiêu diệt chúng, con người đã nghiên cứu thành công và sản xuất vô số các loại kháng sinh gồm các nhóm kháng sinh khác nhau. Nhóm có tác dụng ưu thế trên các loại vi khuẩn Gram âm, loại nhóm khác có tác dụng đối với vi khuẩn Gram dương và có nhóm kháng sinh có tác dụng trên cả hai loại vi khuẩn. Nhưng vi khuẩn không “đứng yên chịu đòn” như vậy, chúng tìm mọi cách chống lại thuốc kháng sinh (kháng kháng sinh), vũ khí chính của chúng là dùng gene kháng thuốc. Gene kháng thuốc này còn lan truyền cho vi khuẩn trong cùng loại hoặc khác loại nhờ hệ thống Plasmid của chúng. Vì vậy, con người luôn trong tình trạng bị động chống lại vi khuẩn gây bệnh. Để giành giật sự sống với vi khuẩn, con người đã, đang nghiên cứu và sản xuất các loại vắc-xin nhằm chống lại sự xâm nhập và gây bệnh của vi khuẩn. Vì vậy, cho đến nay cả thế giới không còn bệnh đậu mùa, bệnh bại liệt, 2/3 các nước đang phát triển đã loại trừ uốn ván rốn sơ sinh và làm giảm tỷ tử vong một cách đáng kể các bệnh như ho gà, bạch hầu, viêm não do H.influenzae... đang tập trung nghiên cứu một cách tích cực vắc-xin phòng sốt xuất huyết, HIV/AIDS, tiến tới thanh toán bệnh viêm gan b virut...

TTƯT. PGS.TS. Bùi Khắc Hậu

0 nhận xét:

Đăng nhận xét